Kích thước thực: là kích thước được đo trực tiếp trên chi tiết bằng những dụng cụ đo và phương pháp đo chính xác nhất có thể được. Trong thực tế không phải lúc nào cũng xác định được kích thước thực một cách chính xác vì vậy người ta cho phép một quan niệm: kích thước thực là kích thước xác định bằng cách đo với sai số cho phép.
Kích thước thực được ký hiệu như sau:
- Dt : kích thước thực của chi tiết lỗ.
- dt: kích thước thực của chi tiết trục.
Khi gia công chế tạo khó có thể đạt được kích thước thực một cách hoàn toàn đúng như kích thước danh nghĩa. Sai lệch giữa kích thước thực và kích thước trong thiết kế phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong chế tạo như : độ cứng vững của máy, dao, dụng cụ đo, độ chính xác của máy, cách gá lắp….Độ lớn sai lệch cho phép kích thước của chi tiết phụ thuộc vào mức độ chính xác yêu cầu của chi tiết và chức năng hoạt động của nó.
Kích thước giới hạn: Khi gia công các kích thước của chi tiết, người thiết kế cần quy định một giới hạn phạm vi cho phép của sai số trên kích thước đó. Phạm vi cho phép đó được giới hạn bởi hai kích thước quy định gọi là kích thước giới hạn.
Kích thước giới hạn được ký hiệu như sau:
+ Dmax, dmax : Kích thước giới hạn lớn nhất của lỗ và trục.
+ Dmin, dmin : Kích thước giới hạn nhỏ nhất của lỗ và trục.
Kích thước giới hạn là hai kích thước lớn nhất và nhỏ nhất mà kích thước thực của chi tiết đạt được yêu cầu nằm trong phạm vi đó. Phạm vi cho phép được quy định sao cho chi tiết đạt được tính lắp lẫn về kích thước.
Như vậy để chi tiết đạt yêu cầu khi thỏa các điều kiện sau:
Dmax ≥ Dt ≥ Dmin
dmax ≥ dt ≥ dmin
Biên tập : nkn
Tài liệu tham khảo :
Dung sai & đo lường kỹ thuật : A.N.Zuravlev nxb CN kỹ thuật 1987.
Dung sai lắp ghép & đo lường : Hoàng Xuân Nguyên nxb Giáo dục 1994.