Bơm cánh gạt
là loại bơm dùng rộng rãi nhất sau bơm bánh răng và cũng chủ yếu dùng ở hệ thống
dầu ép có áp suất thấp, áp suất trung bình. So với bơm bánh răng, bơm cánh gạt
bảo đảm cung cấp một lưu lượng đều hơn, hiệu suất thể tích cao hơn. Do đó nó
dùng rất thích hợp trong các hệ thống cung cấp dầu ép cho các máy công cụ. Kết
cấu của bơm cánh gạt có nhiều loại khác nhau, nhưng có thể chia thành hai loại
chính:
-
Bơm
cánh gạt tác dụng đơn, gọi tắt là bơm cánh gạt đơn.
-
Bơm
cánh gạt tác dụng kép, gọi tắt là bơm cánh gạt kép.
a)
Bơm cánh gạt đơn.
Bơm cánh gạt đơn là loại
bơm khi trục quay một vòng nó thực hiện một chu kỳ làm việc bao gồm một lần hút
và một lần nén. Bơm cánh gạt đơn được chế tạo với lưu lượng cố định hoặc lưu lượng
điều chỉnh. Dựa trên nguyên tắc dẫn dầu của bơm người ta có thể phân biệt được
loại bơm cánh gạt đơn dẫn dầu từ ngoài và loại bơm cánh gạt đơn dẫn dầu từ trong.
+ Bơm cánh gạt đơn dẫn dầu
từ ngoài.
Các kiểu bơm cánh gạt
đơn dẫn dầu từ ngoài có lưu lượng điều chỉnh được điển hình như bơm Enor của
Cty Oswald Forst ( Đức ) và bơm Racine ( Mỹ ). Nguyên lý làm việc như sau :
Roto ( 1 ) được đặt trong stato ( 2 ) với độ lệch tâm e. Trên thân roto có các
rãnh để các cánh gạt ( 3 ) có thể di động theo hướng kính. Để làm giảm lực tiếp
xúc giữa các đầu cánh gạt và thành stato do tác dụng cua 3lu75c ly tâm, người
ta thiết kế cho cánh gạt chuyển động cưỡng bức trong rãnh ( 4 ) có tâm O hình
thành trên mặt bên của bơm. Khi roto quay các con lăn lắp ở hai bên cánh gạt di
động trong rãnh ( 4 ) các thể tích dầu được tạo nên giữa hai cánh gạt và các bề
mặt của roto, stato luôn thay đổi, bên buồng có thể tích lớn dần sẽ thực hiện
quá trình hút, phía buồng có thể tích nhỏ dần sẽ thực hiện quá trình nén.
b) Bơm cánh gạt kép.
Bơm cánh gạt kép là khi
trục quay một vòng, thể tích giữa các cánh gạt có hai lần tăng và hai lần giảm
tức là hút hai lần, nén hai lần.
Kết cấu của bơm đối xứng nên lực tác
dụng lên trục được cân bằng hơn bơm cánh gạt đơn, có thể sử dụng trong hệ thống
áp suất cao. Lưu lượng của bơm được chế tạo từ 5 đến 200 lít/ phút, áp suất có
thể đạt 125 bar.
Biên tập : nkn
Nguồn : Truyền động dầu ép ĐHBK Tp HCM